Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự áp đảo của sắc đỏ. Sau VPBank và BacABank,êmngânhàngbáolợinhuậngiảsoi cau mn TPBank, NCB, PGBank hay LPBank là những cái tên tiếp theo ghi nhận lợi nhuận quý III hoặc 9 tháng giảm so với cùng kỳ.
Trong quý III, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) vẫn tăng hơn 8%, nhưng ảnh hưởng của chi phí vốn cao đang lộ rõ. Chi phí trả lãi trong ba tháng gần nhất của ngân hàng này tăng hơn 47%, trong khi thu nhập lãi và các khoản tương đương chỉ tăng hơn 27%. Các cấu phần kinh doanh khác vẫn tích cực, riêng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến gấp gần 80 lần cùng kỳ. Điều này giúp lợi nhuận thuần từ kinh doanh tăng hơn 16%.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng cao tăng mạnh, gấp gần 4 lần cùng kỳ, khiến lợi nhuận của TPBank đi lùi. Quý III, ngân hàng này báo lãi ròng chỉ hơn 1.200 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với quý III/2022. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của TPBank ghi nhận gần 4.000 tỷ đồng, so với mức hơn 4.700 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với TPBank, PGBank và LPBank lại có trạng thái ngược lại. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của hai ngân hàng này giảm, nhưng đà giảm ở các mảng kinh doanh chính còn cao hơn.
Trong quý III, tất cả mảng kinh doanh của PGBank đều thấp hơn năm trước. Thu nhập lãi thuần giảm 16%, còn 279 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi đều giảm, như lãi từ dịch vụ giảm hơn 40%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm hơn 60%, lãi từ hoạt động khác chỉ còn hơn 7 tỷ đồng, so với hơn 30 tỷ trong quý III/2022.
Dù chi phí dự phòng cũng giảm 26%, PGBank ghi nhận lãi trước thuế chỉ gần 57 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự với LPBank, hai cấu phần quan trọng là thu nhập lãi thuần và thu từ dịch vụ của ngân hàng này đều thấp hơn cùng kỳ. Thu từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác tăng, nhưng không đủ bù đắp đà giảm chung. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này trong quý III chỉ đạt hơn 1.770 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng giai đoạn năm 2022.
Nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh, lãi trước thuế quý III của LPBank tương đương năm trước, ở mức gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này giảm hơn 26%, chủ yếu do giảm thu nhập lãi thuần.
Tình hình kém tích cực nhất là Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Quý III, ngân hàng này thậm chí còn không ghi nhận nguồn thu từ lãi - "nồi cơm chính" của các nhà băng hiện tại. Chi phí trả lãi cao hơn thu từ lãi và các khoản tương đương khiến thu nhập lãi thuần của NCB âm hơn 2 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác, vốn không phải thế mạnh của NCB, không đủ bù đắp cho chi phí hoạt động. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế quý III giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong chỉ ghi nhận 7 tỷ đồng.
Điểm tích cực là khả năng mở rộng tín dụng của NCB đang có tốc độ nhanh hơn. Đến hết quý III, tín dụng của ngân hàng này tăng hơn 8% so với đầu năm.
Trong khi đó, BaoVietBank là ngân hàng hiếm hoi có tăng trưởng cao về kinh doanh, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến khiến lợi nhuận nhà băng này chỉ đi ngang.
Trong quý III, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng gần 60%, thu từ dịch vụ gấp ba lần cùng kỳ. Cùng với các mảng hoạt động khác, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng Bảo Việt đạt hơn 630 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với quý III năm trước.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng cao đột biến khiến lợi nhuận của nhà băng này chỉ tương đương năm trước. Trong quý III, BaoVietBank ghi nhận gần 300 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 8 lần quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng là điểm nhấn lớn nhất, gấp gần 8 lần cùng kỳ. Kết quả này khiến lợi nhuận 9 tháng BaoVietBank thu hẹp còn gần 27 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, ngân hàng này đã trích lập hơn 520 tỷ đồng dự phòng cụ thể cho các khoản vay trong 9 tháng, và dùng hơn 420 tỷ đồng để xử lý các khoản nợ quá hạn. Tại thời điểm cuối quý III, quy mô nợ xấu (nhóm 3-5) của BaoVietBank ghi nhận hơn 1.530 tỷ đồng, chiếm gần 4% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Minh Sơn